Không ít nhạc sĩ, ca sĩ có duyên với phim ảnh, được khán giả nhớ mặt, nhớ tên nhờ nhạc phim. Với Tùng, chính thế giới âm nhạc tự sự nhiều màu sắc điện ảnh của anh đã đưa chàng nghệ sĩ indie rẽ lối.
Nghệ sĩ Tùng - Ảnh: NVCC
Vừa viết nhạc vừa đóng luôn một vai trong phim Trước giờ yêu B4S, giờ thì Tùng tiếp tục hiện diện bằng âm nhạc độc đáo của riêng anh trong một phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Ngày xưa có một chuyện tình.
Những ngày em qua đôi mươi
Khi trailer Ngày xưa có một chuyện tình viral trên mạng xã hội, ai từng nghe qua giọng ca Gam màu tím ở rìa thế giới sẽ nhận ra ngay rằng thêm một bức tranh vẽ bằng nhạc "made by" Tùng.
Câu chuyện tình thanh xuân của phim như quyện vào nhạc của Tùng - một tự sự đứt quãng về một nỗi buồn đã trôi xa, chỉ còn lại nhớ nhung, suy ngẫm.
"Những ngày em qua đôi mươi/ Tiếng nấc em xa tôi để lại/ Cho tôi mang đi những câu chuyện buồn/ Chờ đến ban mai, bên tôi, được không?/ Cho em bên tôi, như bao tình cờ/ Chờ đến mùa gió..." (Xa, hay còn có tên khác là Chờ đến mùa gió).
Đấy là lời Tùng kể, cất lên một cách giản dị như luôn từng, đến nỗi những khúc ngân, ngắt câu, lấy hơi đều tựa như đang nói.
Trước Xa, Tùng bước vào âm nhạc qua một số bài hát như Này em ơi, Cuộc hành trình, Đừng lo... nhưng có lẽ Xa mới thực sự khiến Tùng quen tai với nhiều người hơn.
Rồi bản nhạc ấy cùng Tùng bước vào phim Ngày xưa có một chuyện tình của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh.
Tùng chia sẻ, khi thành nhạc phim, bài hát có thêm một đời sống mới, và chính anh cũng tìm ra những suy tư khác trong mình.
Tùng thật lòng cho rằng không nên nghĩ cơ duyên làm nhạc chủ đề cho phim là bước ngoặt lớn trong đời, vì thế thì dễ phân tâm lắm.
Một người luôn đề cao những màu sắc cá nhân, hát những lời tự sự chân thật trong âm nhạc thì tất nhiên chẳng muốn mình xao nhãng chỉ vì những điều như thế.
Thay vào đó, âm nhạc của Tùng vẫn sẽ mãi là đâu đó khoảnh khắc cảm xúc bất chợt đến, như Tùng đùa, để nhanh tay "chộp lấy" mà thôi.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh kể với Tuổi Trẻ về lý do anh chọn bài hát của Tùng: "Bài hát ấy bạn dựng phim tình cờ nghe được, bảo tôi thử.
Tôi nghe, thấy đó là một bài hát có giai điệu đẹp, có độ mâu thuẫn lãng tử và phớt nhưng éo le, day dứt. Nó phù hợp với phân đoạn dựng khi nhân vật chứng kiến hai người bạn thân của mình yêu nhau.
Là được bao quanh nhưng lại lẻ loi, được yêu thương nhưng lại tủi thân, bao dung đấy nhưng đâu đó lại quặn lòng. Đó là một tình huống cười ít mà khóc nhiều".
Tùng ấy mà, có cả sự lãng tử và đầy bao dung, chất giọng đẹp nhưng cũng đủ thô ráp. Như một cậu bé trong một người đàn ông, hay cũng chính là người đàn ông trong cậu bé...
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (phim Ngày xưa có một chuyện tình)
Nghe Giấc mơ (sáng tác và trình bày: Tùng) trong phim Trước giờ yêu B4S
Quanh tôi người làm phim đông hơn làm nhạc
Nói về lý do Tùng đến với điện ảnh thì nó kỳ ngộ đến mức anh cũng ngại cắt nghĩa: "Trong giới âm nhạc, tôi không quen biết nhiều người lắm đâu.
Khi ra album đầu tay 26: individualism, những người nghe nhạc quanh tôi hầu như làm phim nhiều hơn làm nhạc. Tôi không biết tại sao! Họ bảo họ tìm đến tôi vì muốn thể hiện một hình ảnh nào đó mà họ đã nghĩ đến khi nghe nhạc của tôi".
Tùng nói, để hình dung cá nhân thì anh nghĩ nhạc của mình như một khối kiến trúc, mỗi đoạn là mỗi hình ảnh, mỗi không gian rồi cứ thế mà tiếp tục vẽ vời sáng tạo.
Trên cái khối ấy, Tùng sẽ nhặt từng câu chữ để dựng một cái khung đậm dấu ấn cá nhân, thổi vào luồng cảm xúc tự tìm đến anh khi viết mỗi bài hát.
Nghe Xa vang lên trong Ngày xưa có một chuyện tình
Còn nhạc phim ư? Tùng quan niệm những người làm phim hay ai đó yêu nhạc Tùng sẽ tự dùng chất liệu riêng của chính họ mà sáng tạo thêm hình thù, vun đắp, thậm chí sơn thêm các lớp màu lên đấy.
Tùng cũng hay thắc mắc, trong những bài hát Tùng thường không đưa tính từ miêu tả cảm xúc vào.
Nhưng khi đọc những tâm sự của người nghe, bất ngờ là giữa Tùng và khán giả lại có những cảm nhận rất tương đồng. Rồi Tùng lại tự lý giải những câu hỏi của chính anh một cách giản dị: "À, như người ta nói, âm nhạc là để kết nối mọi người".
Trước khi nhạc của Tùng vào Ngày xưa có một chuyện tình, bài hát Giấc mơ mà Tùng viết cho phim Trước giờ yêu B4S cũng thành hit.
Nhà sản xuất của phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, bảo: "Âm nhạc của Tùng có sự mộc mạc, giản dị; giọng hát như tâm sự, lời bài hát có tính kể chuyện rất hợp với nhạc phim".
Tùng (phải) và Liêm Hiếu tại một sự kiện âm nhạc của Hai trăm năm mươi - Ảnh: FBNV
Kể từ khi khám phá ra nhạc của Tùng, anh luôn muốn dùng các ca khúc của Tùng cho phim: "Ca khúc Xa ban đầu tôi chọn cho phim Trước giờ yêu B4S, nhưng Tùng muốn tự sáng tác một ca khúc mới cho nhân vật của mình trong B4S nên gác lại".
Hỏi Tùng, hợp người làm phim thế, có muốn định hướng luôn thành người viết nhạc phim chuyên nghiệp, trên thế giới thế là thường? Tùng lắc đầu: "Tôi vẫn sẽ viết theo kiểu của tôi, vì tôi cũng không biết chuyên nhạc phim phải khác đi như thế nào. Cứ kệ thôi".
Tùng tên thật là Nguyễn Bảo Tùng, sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Ban đầu Tùng theo học kiến trúc, vì thế mà tư duy sáng tạo của Tùng luôn gắn với hình ảnh.
Cũng vì thế mà nhạc của Tùng là bản phối không giới hạn các màu sắc, hình ảnh, cảm xúc dù từ những chất liệu rất đỗi đời thường.
Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Mắt biếc không có sự đấu tranh giữa tình bạn và tình yêu khi đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành như Ngày xưa có một chuyện tình.
Nguồn tuoitre.vn