Bạn có thuộc nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày?

  • 11/02/2023 10:40:36

(Dân trí) - Ung thư dạ dày là một trong 3 bệnh ung thư hay gặp nhất tại Việt Nam, với khoảng 17.500 trường hợp mắc mới hàng năm. Bệnh thường gặp nhất ở tuổi 50, nhưng ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

 

Theo Bác sĩ Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, ung thư dạ dày thường gặp ở người trên 50 tuổi, tuy nhiên đang có xu hướng trẻ hóa, gặp cả ở những bệnh nhân 40 tuổi.

Tại Bệnh viện K, trung bình mỗi tháng ghi nhận khoảng 200 người bệnh ung thư dạ dày vào viện, trong đó không ít trường hợp dưới 40 tuổi, thậm chí có bệnh nhân ngoài 20 tuổi đã mắc bệnh. Một số người bệnh được phát hiện và điều trị sớm nên tỷ lệ khỏi bệnh cao.

Bạn có thuộc nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày?

Một ca điều trị ung thư dạ dày tại Bệnh viện K (Ảnh: Hà Hà).

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn, nhiều trường hợp mắc ung thư dạ dày ở độ tuổi còn trẻ nhưng lại phát hiện bệnh muộn.

Theo BS Nam, căn bệnh này có thể đến với bất cứ ai, nhưng dấu hiệu ở giai đoạn đầu lại không điển hình, phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.

Có nhiều nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Những người có các yếu tố dưới đây có nguy cơ cao mắc bệnh hơn người khác. Tuy nhiên không có nghĩa có yếu tố nguy cơ sẽ mắc ung thư dạ dày. Việc cần làm là theo dõi định kỳ để kịp thời điều trị, phát hiện bệnh nếu có. Ở giai đoạn sớm, điều trị ung thư dạ dày thậm chí chỉ cần nội soi cắt lớp niêm mạc, cơ hội điều trị rất tốt. Trong khi đó, ở giai đoạn muộn, điều trị khó khăn, hiệu quả không cao.

Dưới đây là những yếu tố nguy cơ gây ung thư dạ dày:

Các tổn thương tiền ung thư: Người bị teo niêm mạc dạ dày; tế bào ở niêm mạc dạ dày biến đổi hình thái giống như tế bào ở ruột và đại tràng (chuyển sản ruột); tế bào niêm mạc dạ dày biến đổi cấu trúc, thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể (nghịch sản).Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori):Gây viêm loét dạ dày và phá hủy niêm mạc dạ dày, gây nên các tổn thương tiền ung thư.Béo phì:Người béo phì dễ mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường, nhất là ung thư phần tâm vị.Di truyền:Tỷ lệ di truyền gen viêm teo dạ dày từ mẹ sang con là 48%. Ngoài ra, sự đột biến di truyền của E - cadherin gen (CDH1) hay mắc phải các hội chứng di truyền như đa polyp tuyến, bệnh ung thư đại trực tràng di truyền không đa polyp cũng liên quan đến ung thư dạ dày.Phẫu thuật dạ dày:Những người có tiền sử phẫu thuật dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao, nhất là khoảng 15 - 20 năm sau phẫu thuật.Tuổi tác:Càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày càng cao, nhất là sau tuổi 50.Giới tính:Nam giới có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gấp 2 lần nữ giới.

Chuyên gia khuyến cáo, mỗi người nên khám đầy đủ sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện bệnh lý và được điều trị. Đặc biệt với ung thư dạ dày, để phát hiện không chỉ đơn giản khám sức khỏe thông thường, mà buộc phải tiến hành nội soi dạ dày để có thể phát hiện sớm ung thư.

Trong thực tế, nhiều người cứ đau bụng, đầy hơi, khó tiêu họ nghĩ ngay đau dạ dày, tự mua vài liều thuốc về uống, thấy đỡ rồi thôi chứ không có ý thức đi khám. Hoặc giả đi khám nhưng lại ngại nội soi dạ dày. Trong khi đó, dạ dày là một tạng rỗng, có thể hình dung nó như một quả bóng, vì thế khám bên ngoài sẽ không thể thấy được những tổn thương bên trong. Việc siêu âm, chụp dạ dày có cản quang cũng chỉ phát hiện ở một chừng mực nhất định, khi bệnh đã ở giai đoạn muộn do khối u quá lớn.

Để chẩn đoán ung thư dạ dày là phải làm nội soi để có thể nhìn thấy tổn thương và lấy mẫu tế bào để sinh thiết, làm các xét nghiệm khác. Phương pháp nội soi không chỉ phát hiện mà còn là phương pháp điều trị. Như với người mắc bệnh ở giai đoạn sớm, người ta có thể qua nội soi hớt phần niêm mạc bị ung thư và giữ nguyên dạ dày, bệnh nhân sống thêm vài năm. Trong khi đó, ở giai đoạn muộn bệnh nhân vừa phải phẫu thuật, xạ trị mà cơ hội sống vẫn rất khó khăn. Vì thế, việc nội soi định kỳ ở người có tiền sử đau dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP là vô cùng quan trọng.

Trên thế giới nhiều nước thực hiện chương trình tầm soát toàn quốc gia, áp dụng cho những người từ 40 tuổi trở lên thực hiện soi dạ dày 2 năm một lần.

Với những người có bệnh lý đường tiêu hóa cần chủ động đi khám, nội soi dạ dày ngay khi có dấu hiệu đau dạ dày, ăn uống khó tiêu, nôn, buồn nôn… Những người từng bị chẩn đoán viêm loét dạ dày hay bị các rối loạn tiêu hóa mà điều trị nội khoa lâu không đỡ cũng cần đi nội soi lại để kịp thời phát hiện bệnh.

Nguồn dantri.com.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Bạn có thuộc nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày? - Sức Khỏe

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều