Nếu được cho đánh giá tiêu chuẩn cho một đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt là gì? Một số người sẽ nói rằng thành tích học tập là yếu tố đầu tiên. Người khác sẽ bảo thói quen sống mới quan trọng, trẻ phải yêu lao động, biết tự giác. Ý kiến khác nữa lại khẳng định, trẻ phải có chủ kiến, kỹ năng giao tiếp khéo léo. Số ít "dễ dãi" hơn thì không đưa ra tiêu chí, miễn là con lớn lên hạnh phúc và tự do. Ai nấy đều có tiêu chuẩn riêng của riêng mình.
Nhưng rõ ràng, không có đứa trẻ nào có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như trên. Vì vậy, nuôi dạy một đứa trẻ, trước hết là để loại bỏ "ảo tưởng" về việc tạo nên một đứa trẻ hoàn hảo. Đồng thời cũng từ bỏ ý tưởng trở thành cha mẹ hoàn hảo. Bằng cách này, cuộc sống của bạn sẽ thoải mái hơn nhiều.
Dù không phải là tiêu chí đánh giá tuyệt đối, nhưng vẫn có một số dấu hiệu trước 7 tuổi của trẻ cho thấy bạn đã nuôi dạy con rất tốt.
01. Trẻ sẵn sàng thể hiện tất cả các loại cảm xúc trước mặt bạn
Có rất nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng con cái của họ là hạnh phúc và sống tốt ở trường. Nhưng thực tế đứa trẻ vẫn luôn bị áp lực. Dù vậy trước mặt cha mẹ vẫn phải cố gắng cười, giả vờ rằng mình đang rất tốt, rất tiến bộ chỉ để cha mẹ không thất vọng hoặc không phàn nàn.
Trẻ em càng không dám thể hiện cảm xúc với cha mẹ, chúng càng dễ bị áp lực. Đột nhiên một ngày, sợi dây bên trong trẻ có thể bị căng hết cỡ và đứt giữa chừng. Tuy nhiên, hầu hết các bậc phụ huynh không muốn con cái khóc lóc yếu đuối trước mặt mình. "Con nhà người ta" là phải mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với mọi sóng gió.
Trong thực tế, khóc là một cách để trẻ em thể hiện cảm xúc, có thể cho phép trẻ giải phóng những cảm xúc xấu, làm giảm căng thẳng hoặc có thể khơi dậy sự chú ý của cha mẹ. Sự chấp nhận của cha mẹ đối với những cảm xúc tiêu cực là một món quà quý giá cho đứa trẻ. Nếu đứa trẻ có thể ở trước mặt cha mẹ có thể cười, cũng có thể khóc, không cần căng thẳng, che giấu bất kỳ cảm xúc nào, điều đó có nghĩa là bạn đang nuôi dạy đứa trẻ rất tốt.
02. Có thể nói "không" với cha mẹ và bày tỏ suy nghĩ của mình
Sẽ rất nguy hiểm nếu con bạn thụ động và đồng ý với mọi thứ vì điều này sẽ khiến chúng không chống lại được những áp lực trong tương lai. Hãy dạy trẻ biết cách nói "không" với những điều chúng cho là chưa hợp lý hoặc không đúng. Điều này không có nghĩa là trẻ sẽ bướng bỉnh hay ngoan cố và phản bác mọi ý kiến khác ngoài ý kiến của chúng. Để được như vậy, bố mẹ nên dạy trẻ để chúng tìm ra sự cân bằng và hợp lý khi nói "không".
Tiến sĩ Lim Boon Leng, bác sĩ tâm lý học của Trung tâm sức khỏe tâm thần khuyên rằng: "Học cách từ chối một cách thích hợp và với thái độ cầu thị và có thể được chấp nhận bởi người khác sẽ giúp cho trẻ có thể nói lên suy nghĩ của bản thân mà không xúc phạm người khác".
Hãy đến gần hơn và lắng nghe những suy nghĩ bên trong của con nhiều hơn. Hãy cho con biết: "Cha mẹ sẵn sàng lắng nghe, con có thể chia sẻ bất cứ điều gì, cho dù đó là một tình huống tốt hay xấu".
Cha mẹ và con cái giao tiếp trên cơ sở bình đẳng, và không phải lúc nào cũng chỉ huy con cái bằng thái độ cấp trên. Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể độc lập, chỉ có người lớn mới cần buông bỏ quyền hạn của mình. Chỉ khi đó, trẻ mới có thể trải nghiệm sự bình đẳng, sẵn sàng mở lòng và trò chuyện với cha mẹ.
03. Có thể làm những gì có thể một cách độc lập
Hầu như tất cả các bậc cha mẹ hiểu rằng tự lập là vô cùng quan trọng bởi vì con cái sẽ sống một mình trong tương lai. Nhưng trên thực tế thì sao?
Trước cổng trường tiểu học, người mẹ mang theo bữa sáng, cho con ăn từng miếng. Trên đường đến trường, người lớn bận rộn mang theo túi xách, lấy ly nước chỉ để cho trẻ thoải mái hơn. Nuông chiều như vậy, làm thế nào đứa trẻ có thể độc lập?
Nhiều bà mẹ hỏi, làm thế nào để đánh giá đứa trẻ có thể bắt đầu đến học ở trường mẫu giáo? Điểm đầu tiên chính là đứa trẻ có thể làm một số việc một cách độc lập, chẳng hạn như tự mặc quần áo, uống nước, có thể giao tiếp với giáo viên, có thể đi vệ sinh... những điều này quan trọng hơn những lớp học năng khiếu mà phụ huynh đã đăng ký.
Đến giai đoạn tiểu học, con có thể giúp đỡ làm việc nhà, hoàn thành bài tập về nhà một cách độc lập, tự sắp xếp đồ dùng học tập, sắp xếp đồ chơi của riêng mình... Nếu như đứa nhỏ từ nhỏ đã có thể rèn luyện kỹ năng độc lập tự chủ này, tương lai sẽ không ỷ lại và dựa dẫm.
04. Tình yêu đọc sách
Yêu thích đọc sách là một thói quen tốt để giúp trẻ có thể phát triển tư duy, bồi dưỡng năng lực sáng tạo từ khi còn nhỏ. Điều này sẽ là tiền đề cho trẻ phát huy và hoàn thiện bản thân, nuôi dưỡng tâm hồn.
Để hình thành thói quen đọc sách là việc làm không khó nhưng cũng không phải dễ, có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Thói quen này nếu hình thành ngay từ nhỏ sẽ quyết định đến khả năng đọc sách trong suốt thời gian dài trong cuộc sống sau này của trẻ. Cha mẹ nào cũng có thể nuôi dưỡng tình yêu sách cho các con nếu biết kiên trì đồng hành.
Nếu đứa trẻ là hạt giống, thì gia đình là đất. Trong thời thơ ấu, ảnh hưởng của gia đình đối với trẻ rất khó phai mờ trong suốt cuộc đời. Trước 7 tuổi, sự phát triển tâm lý của trẻ nhanh nhất, sẽ trải qua nhiều giai đoạn nhạy cảm tâm lý ảnh hưởng đến cuộc sống. Giai đoạn này con tự lập nhưng vẫn rất ngây thơ, dễ thương. Đừng chờ đợi cho đến khi thói quen, tính cách của trẻ đã bén rễ mới luống cuống tìm cách giáo dục con cái. Nên nhớ, làm cha mẹ cũng có "thời hạn hiệu lực".
Nguồn afamily.vn