Nhuận sắc tiếng Việt trong văn học dịch

  • 10/04/2023 11:35:18

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng khả năng của tiếng Việt là vô tận và đủ phong phú để làm nên những tác phẩm văn học dịch xuất sắc, thuần Việt.

 

Nhuận sắc tiếng Việt trong văn học dịch

Tác phẩm Những kẻ phiêu lưu do dịch giả Lê Văn Viện chuyển ngữ và được "nhuận sắc tiếng Việt" bởi PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái. Ảnh: Thanh Trần.

Nhân dịp ra mắt bộ sách Những kẻ phiêu lưu của nhà văn Harold Robbins được dịch bởi dịch giả Lê Văn Viện, ngày 9/4 tại Đường sách TP.HCM, PGS Văn học - TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái đã có buổi chia sẻ về chủ đề nét đẹp của tiếng Việt trong văn học dịch.

Cuộc cách mạng xã hội và tình dục

Tác phẩm Những kẻ phiêu lưu được viết bởi một trong những nhà văn bán chạy nhất mọi thời đại: Harold Robbins (1916 - 1997).

Theo nhà xuất bản kỳ cựu Hodder & Stoughton, trong thời của mình, Robbins là một "gã playboy và là một sư phụ trong xuất bản". Ông là một tiểu thuyết gia nổi tiếng, nhưng những câu chuyện về chính cuộc đời ông thậm chí còn đậm chất tiểu thuyết hơn cả những cuốn tiểu thuyết của ông. Ông là một tác giả của cuộc cách mạng xã hội và tình dục.

Những kẻ phiêu lưu là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà văn, được xuất bản sau khi ông qua đời, ghi dấu lòng khâm phục và nỗi tiếc thương của triệu triệu bạn đọc thế giới dành tặng ông.

Đó là câu chuyện về ba đời của một dòng họ được kể theo những thăng trầm của Dax, nhân vật chính, từ 6 tuổi cho đến ngày nhắm mắt lìa đời. Lớn lên với một tuổi thơ đầy ám ảnh về cái chết bi thảm của mẹ và người chị gái, cuộc đời Dax trải qua nhiều sóng gió nhưng cũng không kém phần oanh liệt với triền miên những cay cực, mưu mô, bạo lực và cả cuộc tình hoang dại, mê đắm.

Với bối cảnh của một quốc gia Nam Mỹ, nó ghi dấu một giai đoạn lịch sử vào trước, trong và sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 với những âm mưu chính trị, ngoại giao, kinh tế, những bữa tiệc xa hoa, những ông trùm dầu lửa, những ông trùm ngân hàng…

Thách thức trong chuyển ngữ

Được xem là một tác giả của cuộc cách mạng xã hội và tình dục, dễ hiểu khi nhà văn Harold Robbins và tác phẩm của ông có nhiều miêu tả về những hành động "nhạy cảm", "táo bạo”.

Không những thế, tác giả còn dựng lên một loạt nhân vật với đủ loại thân phận, từ các chính khách, tài phiệt, quân phiệt, bọn buôn súng và thuốc phiện, các tay ký còm ranh mãnh đến những nông dân thuần phác và nhiệt huyết, các cô gái điếm khổ đau và tình cảm, bọn đầu trâu mặt ngựa...

PGS Văn học, TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái tại chương trình. Ảnh: Thanh Trần.

Vì thế, để chuyển thể được tác phẩm này sang tiếng Việt một cách trọn vẹn, đầy đủ là cả một thách thức đối với dịch giả và người biên tập. Đó là lý do sau khi được chuyển ngữ bởi dịch giả Lê Văn Viện, tác phẩm Những kẻ phiêu lưu lại tiếp tục được “nhuận sắc” ngôn ngữ bởi PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái - người có nhiều năm giảng dạy về văn hóa, nghệ thuật.

"Cái khó ở tác phẩm này thứ nhất là về chính trị, thứ hai là những yếu tố tình dục. Chúng xuất hiện dày đặc trong tác phẩm, và thách thức trong việc chuyển ngữ là làm sao để mọi người đều hiểu nhưng vẫn đủ tinh tế, nhã nhặn", bà chia sẻ.

Khi đọc, chúng ta phải hiểu được khí hậu của ngôn từ để hiểu được chính nó.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Trao đổi về nét đẹp của tiếng Việt trong văn học dịch, nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng dịch một tác phẩm tiếng nước ngoài qua tiếng Việt là điều chưa bao giờ dễ dàng. Bao giờ người dịch cũng hướng đến tiêu chí "Đạt, Tín, Nhã" và cho dù dịch như thế nào đi nữa thì người đọc phải có cảm giác như đọc một tác phẩm của người Việt viết cho người Việt.

Đối với những tình tiết nhạy cảm, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái sử dụng nhiều cách nói ẩn dụ quen thuộc với người Việt như trong ca dao hay thơ ca. Bà cho rằng điều quan trọng nhất của dịch giả trước hết là phải giỏi ngôn ngữ của đất nước mình rồi mới đến ngôn ngữ được dịch. Vì thế, người dịch giả trước tiên phải xuất sắc trong tiếng Việt.

"Khi dịch sang tiếng Việt thì phải Việt hóa nó, và kho tàng ca dao dân ca Việt Nam nhiều vô cùng. Là người Việt và yêu tiếng Việt, tôi biết khả năng của nó là vô tận. Tiếng Việt đầy đủ các thứ để cho ta chuyển ngữ", bà nói.

"Tiếng Việt rất mạnh về động từ và tính từ, nhưng lại hạn chế về danh từ, đặc biệt là phải vay mượn những từ ngữ, thuật ngữ về khoa học. Vì vậy, tiếng Việt thực ra là một ngôn ngữ văn học có thể nói được sử dụng rất tốt, nếu biết sử dụng sẽ cho ra những tác phẩm văn học có chất lượng", TS Ngữ văn Hà Thanh Vân chia sẻ thêm.

Nguồn baomoi.com

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Nhuận sắc tiếng Việt trong văn học dịch - Thư Giãn

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều