Gen Z 'bùng cháy', cha mẹ làm sao?

  • 08/10/2022 09:29:41

TTO - Khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình là vấn đề muôn thuở với những khác biệt vốn có.

 

Gen Z 'bùng cháy', cha mẹ làm sao?

Không còn là "con nít", Gen Z bắt đầu lớn dần, trỗi dậy và đem sự tích cực, năng lượng lạ kỳ của mình in dấu lên bất cứ nơi nào họ đi qua - Ảnh: DUYÊN PHAN

Tuy nhiên đối với thế hệ Gen Z (những người được sinh ra trong khoảng từ năm 1997 đến năm 2012), khoảng cách ấy còn tăng lên gấp bội bởi những đặc trưng của thế hệ này gắn với thời đại số.

Thu hẹp khoảng cách giữa thế hệ Gen Z & cha mẹ, có khó không?

Gen Z không còn làtrẻ con

Bước sang năm thứ hai đại học, Phương Uyên (20 tuổi, Q. Ninh Kiều, Cần Thơ) thuê nhà trọ ở để thuận tiện cho việc học tập cũng như làm thêm của mình.

Để đi đến quyết định ấy là cả một hành trình Phương Uyên phải tranh đấu quyết liệt với cả nhà. Bởi gia đình cô sống ngay trong thành phố Cần Thơ, phòng ốc rộng rãi thoải mái nhưng Uyên lại đi ở trọ trong căn phòng chỉ hơn 10m

với những tiện nghi tối thiểu.

Uyên cho biết ban đầu ba mẹ kịch liệt phản đối bởi Uyên là con một, từ nhỏ đã được cả nhà chăm chút từng li từng tí từ việc ăn uống, học hành cho đến mọi sự. Ba mẹ còn lo ngại Uyên bị bạn bè xấu rủ rê làm xao lãng chuyện học hành nên dứt khoát "không là không".

Dùng nước mắt không xong, Uyên đem chiêu giận hờn ra thử, rồi có cả "chiến tranh lạnh" mà cũng không đạt được mục đích. Cuối cùng cô chuyển sang chiến thuật "mưa dầm thấm đất" ròng rã 6 tháng trời để thuyết phục mẹ trước. Sau đó nhờ mẹ làm đồng minh để cùng Uyên thuyết phục ba cũng trong từng ấy thời gian.

Cô tâm sự: "Mình từng sống với sự chăm sóc kỹ lưỡng của ba mẹ, với tài chính đầy đủ từ gia đình, đó là điều may mắn, nhưng điều đó lại dần trở thành áp lực khi đối mặt với sự kỳ vọng của ba mẹ.

Khi sống riêng, đi học hay đi làm về có mệt mấy thì cũng phải tự chuẩn bị đồ ăn, trong khi ngày trước được ba mẹ chăm chút mọi thứ. Giờ đây ra ở riêng, phải lo mọi thứ, nhiều lúc mình cũng cảm thấy tủi thân, nhưng cuộc sống riêng giúp mình tự tin và trưởng thành hơn trước rất nhiều".

Với Quỳnh Lâm (24 tuổi, làm dựng phim, Q.10, TP.HCM) thì những mâu thuẫn giữa cô và ba mẹ thực sự là một cuộc chiến không có hồi kết cho đến tận bây giờ. Cô kể hồi còn học cấp III, gia đình đã định hướng cho mình thi vào trường y nối nghiệp ba hoặc chọn sư phạm để sau này đi dạy như mẹ.

Nhưng Lâm lại không hề hứng thú với những công việc của ba mẹ yêu cầu mà lại nhất quyết thi vào ngành đồ họa truyền thông đa phương tiện. Nhưng thi đậu, vô học rồi Lâm bảo "nào đã yên thân". Hết ba rồi đến mẹ khi thì ra lệnh, lúc thì năn nỉ cô năm sau thi lại để vào học những ngành theo truyền thống gia đình.

Đến lúc tốt nghiệp, đi làm, ba mẹ vẫn chưa buông "yêu cầu chuyển hướng". Ban đầu Lâm được nhận vào thử việc với vị trí thư ký trường quay. Công việc thư ký trường quay bao thứ nhọc nhằn, nào là ghi chép thời lượng, thứ tự cảnh quay, nhắc thoại diễn viên, phát hiện sai sót kịch bản, kiểm tra, nhắc nhở phục trang, ánh sáng, dựng cảnh...

Đã vậy có khi phải thức thâu đêm theo đoàn phim, ăn uống thất thường, về đến nhà Lâm chỉ biết lăn ra ngủ vùi. Thấy cảnh đó ba mẹ Lâm càng thêm xót con nên cứ nhất quyết bắt cô phải bỏ việc, tìm việc khác mà làm. Cũng may là khi được tuyển dụng chính thức cô được bố trí công việc đúng với chuyên môn dựng phim của mình. Nhưng câu chuyện nghề nghiệp của Lâm đôi khi vẫn là đề tài gây tranh cãi giữa cô và ba mẹ.

Lâm trăn trở: "Ừ thì cha mẹ nào cũng luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái mình. Nhưng nhiều khi những con đường ba mẹ vạch ra cho mình chắc gì đã phù hợp. Mình cũng cảm thấy áy náy và rất buồn vì đã không nghe theo lời ba mẹ khi chọn nghề nghiệp. Nhưng rồi ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, để thực hiện mơ ước của bản thân. Với thời gian và năng lực bản thân, mình tin là ba mẹ sẽ hiểu mình hơn".

Thế hệ chịu nhiều áp lực

Theo một nghiên cứu của Nielsen (công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu), thế hệ Gen Z là những công dân toàn cầu vui vẻ hơn, lạc quan hơn, ít lo âu nhưng không có nghĩa họ đơn giản.

Gen Z hiểu biết hơn về công nghệ và không sợ thất bại, không ngại rủi ro, ý thức mạnh mẽ về việc phải sống trọn vẹn, tạo giá trị của riêng mình.

Thế hệ Gen Z dám phá bỏ tư tưởng sống ổn định, thích sáng tạo để tìm hướng đi mới và tự tin tạo ra những giá trị khác biệt so với các thế hệ X và Y trước đó.

Thế hệ Gen Z thường được phác họa với nhiều đặc điểm đối lập: rất sáng tạo nhưng cũng rất nổi loạn, dành nhiều thời gian trong thế giới ảo nhưng khát khao kết nối thật, đầy tự tin nhưng cũng không tránh khỏi những hoang mang về bản thân...

Hầu hết các thành viên của thế hệ Gen Z là con của những người thuộc thế hệ X, do đó cá tính của Gen Z chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quan điểm nuôi dạy của thế hệ X.

Thế hệ Gen Z mặc dù được ví von là thế hệ "vượt sướng" khác với thế hệ cha mẹ, phần lớn là những người thuộc thế hệ X được sinh ra trong bối cảnh xã hội có nhiều khó khăn phải nỗ lực vượt khó. Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Gen Z cũng chịu nhiều ảnh hưởng về tâm lý và thể chất.

Ngoài những áp lực của xã hội, thế hệ Gen Z còn phải đối mặt với những kỳ vọng từ gia đình. Chính những kỳ vọng của cha mẹ quá cao có thể khiến con cái phải kìm nén bản thân để làm hài lòng người khác. Bầu không khí trong gia đình cũng vì thế trở nên căng thẳng hơn, khoảng cách giữa cha mẹ và Gen Z lớn dần. Điều đó dẫn đến việc các con sẽ mất dần nhận thức về cảm xúc thật của bản thân.

Khả năng tiếp thu thông tin khác nhau giữa hai thế hệ cũng là điều đáng nói. Người trẻ am hiểu công nghệ, vì thế việc tìm kiếm thông tin và tiếp thu kiến thức mới trở nên dễ dàng và đa dạng hơn. Vì vậy việc nhìn nhận vấn đề giữa hai thế hệ bắt đầu có sự chênh lệch nên bất đồng quan điểm là điều không thể tránh khỏi. Từ những mâu thuẫn trong cách nhìn nhận vấn đề dẫn đến thế hệ Gen Z mong muốn có không gian riêng tư và tránh phải đối mặt với những lời phàn nàn, suy xét.

Hiểu để cảm thông

Gen Z 'bùng cháy', cha mẹ làm sao?

Để giúp thế hệ Gen Z thoải mái chia sẻ với gia đình, bậc làm cha mẹ cần học cách hiểu con mình và chia sẻ với những điều các con đang đối mặt - Ảnh: D.PHAN

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi xã hội càng hiện đại, công nghệ càng phát triển, thông tin càng nhiều, vật chất đủ đầy thì thế hệ Gen Z lại càng có những nỗi khổ riêng.

Nếu như nỗi khổ của thế hệ phụ huynh là thiếu thốn vật chất, thì nỗi khổ của Gen Z là sự thừa thãi, sự bội thực và những sự thay đổi đến chóng mặt của xã hội hiện đại. Cuối cùng chính họ lại phải tự mình vượt khổ bằng những bản lĩnh mà thế hệ phụ huynh chưa từng gặp.

Để thu hẹp khoảng cách và giúp thế hệ Gen Z thoải mái chia sẻ với gia đình, bậc làm cha mẹ cần học cách hiểu con mình, để cảm thông và chia sẻ với những điều các con đang đối mặt.

Học cách tôn trọng sở thích cá nhân, đời sống riêng tư chính là bí quyết để xóa tan khoảng cách giữa hai thế hệ.

Ngược lại, các bạn trẻ Gen Z cũng phải tập hiểu cha mẹ của mình. Bởi là hai thế hệ tiếp nối nhau trong thời kỳ xã hội dần đổi mới thì những quan điểm khác nhau là điều tất yếu. Cần học cách lựa chọn, cách nói, cách chia sẻ hiểu biết với cha mẹ bằng sự chân thành và khiêm tốn.

 

CHUNG THANH HUY

Nguồn tuoitre.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Gen Z 'bùng cháy', cha mẹ làm sao? - Tuổi Trẻ

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều