Không riêng gì các bậc cha mẹ Việt Nam, nhiều bậc cha mẹ châu Á như ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… cũng có tâm lý muốn cho con vào học trường điểm, thậm chí ngay từ bậc mầm non. Họ quan niệm rằng: Nếu con không vào được đúng trường mầm non thì con sẽ không thể vào được đúng trường tiểu học, và rồi con không vào được đúng trường cấp 2, không vào được đúng trường cấp 3, và sẽ không vào được đúng trường đại học. Và rồi con sẽ không thể tìm được công việc thích hợp. Với lối suy nghĩ như vậy, áp lực chọn trường điểm cho con ngay từ khi con bắt đầu đi học là một gánh nặng, một nhiệm vụ lớn lao với nhiều bậc cha mẹ.
Cho con học trường điểm hay học trường thường là trăn trở của không ít bậc cha mẹ, nhất là những gia đình có con học đầu cấp. (ảnh minh họa)
Một số gia đình có lý do rất cụ thể khi muốn con vào học trường điểm, đó có thể là vì trường điểm có nhiều hoạt động ngoại khóa, có nhiều tiết dạy kỹ năng mềm, hoặc có không khí học “cởi mở” hơn, ít học thêm… Hoặc có những gia đình có định hướng cho con đi du học, do vậy mà chọn trường theo tiêu chí để con thuận lợi trong các hoạt động ngoại khóa nhằm làm đẹp hồ sơ du học…
Nếu bố mẹ có lý do cụ thể như thế để chọn trường điểm cho con thì mong muốn học trường điểm có thể hiểu được. Tuy nhiên, có những bậc phụ huynh nhất nhất muốn con học trường điểm vì thấy các gia đình khác làm vậy nên bắt chước theo. Họ nghe nói “đó là trường tốt” nên muốn cho con theo học, mà nhiều khi cũng chẳng biết trường đó tốt ở điểm nào.
Nhiều khi mong muốn học trường điểm chỉ là nguyện vọng của bố mẹ, chứ không phải là mong muốn của con. Thậm chí, con không thích học trường điểm vì trường xa, bạn lạ, hoặc con sợ không theo kịp, con chỉ thích học trường làng, nhưng chính bố mẹ cứ ép con thi vào trường điểm để được “nở mày nở mặt” với thiên hạ. Khi ép con như vậy, chính là bố mẹ không hề lắng nghe nguyện vọng của con, bố mẹ coi con như một vật sở hữu của mình để rồi tự ý quyết định trường cho con. Trong khi đó, nếu con bị ép học vì dù con có vào được trường điểm cũng chẳng vui vẻ gì, thậm chí con có thể nảy sinh tư tưởng việc học không phải là của con, con đang học cho bố mẹ vì con không được tự quyết định ngôi trường mình học.
Thiết nghĩ, trường điểm hay trường làng đều có những điểm cộng và điểm trừ, do vậy mà tùy theo mục đích của bố mẹ cũng như tố chất, năng lực, nguyện vọng của con mà cả gia đình cùng bàn bạc để thống nhất về ngôi trường con sẽ theo học. Có như vậy, con mới thoải mái về ngôi trường mình học để có tâm thế tốt nhất trong học tập.
Bà Sugahara Yuko (người có kinh nghiệm mười mấy năm làm công tác tư vấn cho hàng vạn cha mẹ Nhật Bản về rèn luyện kỹ năng sống và nhân cách cho trẻ) cho rằng, giữa việc tìm cách để con vào được trường lớp mang thương hiệu nổi tiếng so với việc tìm cách để những mầm non tài năng có thể phát triển, bố mẹ cần cân nhắc xem điều nào quan trọng hơn để lựa chọn cho phù hợp với cá tính và nguyện vọng của con.
dantri.com.vn