Học sinh tiểu học lên lớp lúc 8h, sẽ tốt cho sức khỏe các em

  • 23/10/2022 17:41:10

TTO - Hầu hết các trường tiểu học công lập trên địa bàn TP.HCM thực hiện giờ vào lớp lúc 7h15 và chính thức vào tiết học lúc 7h30, nhưng chuyên gia vẫn cho rằng cần nới thời gian này lên 7h45 hoặc 8h.

 

Học sinh tiểu học lên lớp lúc 8h, sẽ tốt cho sức khỏe các em

Bữa ăn sáng ở nhiều quốc gia được coi là quan trọng nhất để giúp trẻ phát triển. Ảnh chụp bữa ăn trưa của học sinh tại Trường THCS Tân Tạo, quận Bình Tân (TP.HCM) - Ảnh: MỸ DUNG

Tại Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP.HCM, học sinh hiện nay vào lớp ổn định chỗ ngồi lúc 7h15 và vào tiết học đầu tiên lúc 7h30. "Thời gian vào học của học sinh từ 7h30 được thực hiện ở trường từ lâu lắm rồi. Giờ này trẻ vào học thì khoảng 6h30 học sinh ăn sáng. Học sinh ăn sáng trong vòng 15 - 20 phút và đến trường. Mỗi ngày trẻ tiểu học sẽ hoàn thành 7 tiết học (nếu học sinh học 2 buổi/ngày) nên nếu vào học sớm hơn thì giờ nghỉ trưa sẽ kéo dài, việc ăn trưa sẽ thực hiện sớm hơn nên rất phí thời gian của trẻ, không để làm gì cả", ông Nguyễn Thế Dũng, hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản, nói.

Tương tự, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn quận 8, TP.HCM đều thực hiện giờ vào học buổi sáng đối với học sinh các khối lớp vào lúc 7h30 và kết thúc giờ học mỗi ngày vào khoảng 4h30 chiều.

Ông Dương Văn Dân - trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 - cho biết với những học sinh học hai buổi ngày khi bắt đầu ngày học lúc 7h30 và mỗi ngày học bốn tiết thì tính cả giờ ra chơi, khoảng 10h30, một số trường đã cho học sinh nghỉ buổi sáng để chuẩn bị ăn trưa, nghỉ trưa và làm các công tác khác trước khi vào học buổi chiều lúc 14h.

Nhận định về việc giờ học này trễ hay sớm so với thói quen đi học của học sinh, ông Dương Văn Dân cho hay vẫn có những trường hợp phụ huynh đi làm xa thường đem con đến trường sớm. Trong những trường hợp như vậy, nhà trường sẽ bố trí giáo viên kỹ năng, hoặc giáo viên thể dục… để có thể quản khi học sinh đến trường.

"Tôi cho giờ vào học 7h30 là hợp lý. Còn những phát sinh khác nhà trường có thể điều chỉnh như cho trẻ học thêm kỹ năng, tùy vào nguyện vọng và mong muốn của gia đình để bố trí thời gian thích hợp hơn. Trẻ cần được thoải mái ăn sáng tốt để chuẩn bị cho một ngày học ở trường" - ông Dân nói.

Khác với những trường tiểu học công lập, rất nhiều trường tiểu học tư thục trên địa bàn TP.HCM quy định thời gian vào học của học sinh bắt đầu từ 7h40 hay 8h. Điển hình như Trường tiểu học Tây Úc, Trường tiểu học dân lập quốc tế IPS…

"Con tôi năm nay học lớp 3, cháu vào học lúc 8h sáng và về nhà vào lúc 4h30 mỗi ngày dù cháu học cả chương trình Việt Nam và chương trình nước ngoài. Trên trường cháu chơi các trò chơi vận động, buổi trưa ăn uống ở trường.

Tôi không nghĩ nên đến trường sớm quá, trẻ sẽ mất đi giấc ngủ, sự phát triển", chị Nguyễn Thị Thủy, phụ huynh một trường tiểu học tư thục tại TP.HCM, nói với Tuổi Trẻ Online.

Tính toán trên thời lượng mỗi tiết học, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM nói với Tuổi Trẻ Online: "Mỗi tiết học của học sinh tiểu học chỉ 35 phút. Như vậy, mỗi ngày trẻ có bảy tiết ở trường (đối với học sinh học hai buổi/ngày) tương đương với thời gian khoảng hơn 4 giờ đồng hồ.

Với 4 giờ đồng hồ nhưng học sinh học hai buổi/ngày đang ở trường đến 9 giờ, trong đó có cả giờ ăn, giờ ngủ và giờ chơi. Thời gian biểu này thực sự đang phục vụ người lớn chứ không phải vì trẻ con.

Vì với thời lượng dạy học như vậy, trẻ có thể vào học lúc 8h để kịp ăn sáng đủ chất, đủ bữa, giúp phát triển thể lực, trí tuệ tốt hơn. Vì hiện nay, dù vào học lúc 7h30 nhưng hàng loạt học sinh vẫn chỉ ăn sáng qua loa, không đủ dưỡng chất".

Cũng theo cô hiệu trưởng này, nên thay đổi giờ học như Nhật Bản. "Chúng ta cần học tập Nhật Bản trong việc nâng cao tầm vóc để cải thiện sức lao động của người lao động trong tương lai. Trước mắt cần thay đổi giờ vào lớp của trẻ từ 7h30 lên 8h để trẻ có thể cải thiện bữa sáng đủ chất trước", cô đề xuất.

 

MỸ DUNG

Nguồn tuoitre.vn

Tin Cùng Mục

Tin Mới Nhất

Học sinh tiểu học lên lớp lúc 8h, sẽ tốt cho sức khỏe các em - Giáo Dục

  • Tin Mới Nhất
  • Đọc Nhiều